Việt Nam đang sẵn sàng tham gia vào cuộc cách mạng “di chuyển xanh”, nhằm chuyển đổi toàn bộ các phương tiện giao thông sang năng lượng tái tạo vào năm 2050, để đạt được mục tiêu không phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, đây là một cuộc cách mạng không hề dễ dàng. Vero, công ty tư vấn truyền thông thương hiệu tại khu vực ASEAN mới đây đã công bố báo cáo (whitepaper) về cơ hội phát triển và những thách thức hiện hành của thị trường xe điện khi bước vào Việt Nam.
Mục lục bài viết
1. Xe máy điện tiên phong, tạo đà cho sự phát triển của ô tô điện
Việt Nam là quốc gia có lượng xe máy chiếm ưu thế trên đường phố, do đó ngành công nghiệp xe máy điện cũng không ngừng phát triển. Theo Bộ Công Thương, việc tiêu thụ xe máy điện tại Việt Nam đã tăng khoảng 30% – 35% trong những năm gần đây, đưa Việt Nam trở thành thị trường xe máy điện (E2W) lớn nhất trong khu vực ASEAN và xếp thứ 2 toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc.
Với giá xăng dầu tăng cao và những vấn đề về môi trường ngày càng được người tiêu dùng quan tâm, doanh số bán xe máy điện tại Việt Nam được dự báo sẽ sớm vượt qua xe máy xăng (Theo báo cáo từ motorcycledata). Số liệu từ Vero IQ cũng cho thấy, tỷ lệ người dùng tìm kiếm về xe điện tăng trưởng hàng năm là 71% (số liệu thống kê từ tháng 1/2019 đến tháng 3/2023). Điều này cho thấy người tiêu dùng Việt Nam đang dần chọn xe điện là phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.
Điều này cũng thu hút nhiều thương hiệu xe máy điện nổi tiếng vào thị trường Việt Nam. Mới nhất là vào tháng 1/2023, hãng xe máy điện Yadea có trụ sở tại Trung Quốc, được coi là nhà sản xuất xe máy điện lớn nhất thế giới, đã đầu tư 100 triệu USD vào nhà máy lắp ráp tại Bắc Giang với năng suất dự kiến đạt 2 triệu xe máy điện mỗi năm.
Việt Nam là một trong những quốc gia có thị trường xe máy điện phát triển nhanh nhất, tạo ra nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp ô tô điện tham gia vào cuộc chạy đua “di chuyển xanh” này.
Thị trường xe điện Việt Nam đang chứng kiến sự cạnh tranh của nhiều hãng ô tô lớn với các chương trình khuyến mãi hấp dẫn cho cả phân khúc xe bình dân và xe cao cấp như VinFast – nhà sản xuất ô tô điện hàng đầu trong nước, Mercedes-Benz với dòng xe EQS chạy bằng điện, hay các hãng xe sang như BMW, Porsche, Audi, Volvo cũng đã ra mắt các mẫu xe điện tại Việt Nam…
2. Ô tô điện: Tiềm năng và cơ hội trong tương lai
Tháng 12 năm 2021, VinFast đã trình làng chiếc xe điện VF e34 đầu tiên do Việt Nam sản xuất và bán ra trong nước. Đây là bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới. Đến tháng 8 năm 2022, theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, cả nước đã có gần 3.000 chiếc ô tô điện được lắp ráp trong nước hoặc nhập khẩu.
Hiệp hội Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) ước tính rằng Việt Nam sẽ có 1 triệu xe điện vào khoảng năm 2028 và khoảng 3,5 triệu xe điện vào năm 2040. Theo 6Wresearch, thị trường xe điện Việt Nam sẽ tăng trưởng với tỷ lệ CAGR 22,9% trong giai đoạn 2020-2025.
Tuy nhiên, so với khu vực Đông Nam Á (theo số liệu Quý 3/2022 của Statista), doanh số bán hàng xe điện của Việt Nam chỉ chiếm 0,7%. Đó là một thách thức không nhỏ. Và các chính sách hỗ trợ tiêu thụ xe điện từ Chính phủ được hy vọng sẽ khuyến khích người tiêu dùng Việt Nam chuyển sang sử dụng xe điện nhiều hơn.
2.1. Chính sách thuế khuyến khích tăng trưởng ngành công nghiệp “xe xanh”
Các chính sách thuế nhằm khuyến khích phát triển “xe xanh” đã được Chính phủ ban hành với nhiều ưu đãi. Theo đó, ô tô điện chạy pin sẽ được miễn lệ phí trước bạ trong 3 năm, từ ngày 1/3/2022. Sau đó, mức lệ phí này chỉ bằng một nửa so với xe xăng. Ngoài ra, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện cũng được giảm xuống còn 1%-3%, áp dụng đến hết tháng 2 năm 2027. Đây là những tín hiệu tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường ô tô điện trong nước.
2.2. Nhận thức của người tiêu dùng về lợi ích của xe điện đối với môi trường
Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Vero vào đầu năm nay đã cho thấy rằng người tiêu dùng tại Việt Nam đã nhận thức về các ưu điểm của xe điện đối với môi trường, bởi vì chúng không tạo ra khí thải, giúp giảm thiểu lượng khí nhà kính và các chất gây ô nhiễm hơn so với những phương tiện sử dụng động cơ đốt trong (ICE) truyền thống.
Trong 91 người tham gia khảo sát (gồm nam và nữ có độ tuổi từ 18-54), có đến 2/3 cho biết họ tìm hiểu và cân nhắc mua xe, với bảo vệ môi trường là động lực mua hàng chính của họ. Bên cạnh đó, 69% người tham gia khảo sát cho rằng chi phí vận hành xe điện thấp hơn so với phương tiện chạy bằng nhiên liệu.
NielsenIQ cũng có kết quả nghiên cứu tương tự với Vero, khi 55% người tiêu dùng tại Việt Nam coi trọng tính bền vững mà xe điện mang lại, trong khi 24% đang chủ động theo đuổi lối sống bền vững hơn để tiết kiệm tiền.
3. Xe điện đối mặt với thách thức khi tham gia cuộc đua “di chuyển bền vững”
Tuy nhiên, Vero cũng đã chỉ ra những trở ngại đang làm cho sự phát triển của xe điện ở Việt Nam trở nên chậm chạp khi xem xét lý do mà 2/3 số người tham gia khảo sát cân nhắc khi quyết định mua xe điện. Theo đó, có 3 yếu tố chính khiến người dùng ngại việc chuyển sang sử dụng xe điện ở thời điểm này:
- Thiếu trạm sạc làm giảm khoảng cách di chuyển
- Ít người biết rõ về công nghệ xe điện
- Giới trẻ không quan tâm nhiều đến xe điện
3.1. Hạ tầng chưa phát triển – rào cản lớn cho việc chuyển đổi sang xe điện
Để phát triển di chuyển bền vững ở Việt Nam, cần có hạ tầng phù hợp, gồm nguồn điện, trạm sạc, pin và cách xử lý pin. VinFast đã thiết lập 150.000 cổng sạc tại khoảng 3.000 trạm sạc ở các nơi như bãi đỗ xe chung cư, trạm dừng nghỉ và trạm xăng. Các trạm sạc của VinFast có nhiều công suất khác nhau, từ trạm sạc thường 11kW, trạm sạc nhanh 30kW và 60kW, trạm sạc siêu nhanh 250kW đến trạm sạc cho xe máy điện 1.2kW.
Bên cạnh đó, các công ty phát triển hệ thống sạc xe điện thông minh như EBOOST và Charge+ cũng đang lắp đặt các trạm sạc khắp Việt Nam để khuyến khích người dùng chọn xe điện.
Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của Vero, thiếu hụt hạ tầng trạm sạc vẫn là rào cản lớn khiến người tiêu dùng ngần ngại mua xe điện. Hơn 90% người được hỏi không chọn xe điện vì lo ngại không có đủ trạm sạc để hỗ trợ việc di chuyển bằng xe điện, đặc biệt là khi đi xa.
Do đó, việc xây dựng các trạm sạc với nguồn điện đảm bảo trên các tuyến đường thường xuyên để phục vụ nhu cầu của người dùng xe điện là mục tiêu mà các nhà sản xuất xe điện cần hợp tác thực hiện.
3.2. Người tiêu dùng chưa có thông tin đầy đủ về xe điện
Thị trường ô tô điện tại Việt Nam mới chỉ bắt đầu phát triển trong vài năm qua, nên người tiêu dùng vẫn còn do dự về chất lượng của xe điện so với xe xăng – loại phương tiện đã quen thuộc trong nhiều năm. Nhiều người tham gia khảo sát của Vero thừa nhận rằng họ chưa có đủ hiểu biết về xe điện, về công nghệ lẫn an toàn của xe. Thực tế, có tới 63% người được hỏi cho biết họ chưa bao giờ đi hoặc lái một chiếc ô tô điện.
Theo một cuộc khảo sát với 30 người, hơn nửa số người tham gia cho rằng họ không có ý định mua xe điện do thiếu hiểu biết về loại xe này. Đồng thời, 72% số người này cũng tỏ ra khó phân biệt được các dòng xe điện khác nhau khi được hỏi.
Để thúc đẩy nhu cầu sở hữu xe điện của người tiêu dùng Việt Nam, các nhà sản xuất xe điện cần tăng cường các hoạt động giáo dục và truyền thông để cung cấp thông tin chính xác, bẻ gãy những sai lầm và định kiến về xe điện. Bên cạnh đó, họ cũng nên làm nổi bật những điểm mạnh và lợi ích của xe điện cho cuộc sống hiện đại. Như vậy, người tiêu dùng sẽ có quyền lựa chọn và quyết định mua xe điện cho bản thân.
3.3. Thế hệ Z và người thuộc thế hệ Millennials khá khó để “tin dùng” vào xe điện
Một kết quả khảo sát thú vị của Vero là Gen Z và Millennials (từ 18-34 tuổi) là nhóm có ý thức bảo vệ môi trường cao hơn và coi xe điện là phương tiện giao thông xanh. Tuy nhiên, họ lại không có nhiều mong muốn sở hữu một chiếc xe điện riêng.
Hiện tại, Gen Z và Millennials chiếm hơn nửa dân số Việt Nam và dự kiến sẽ tạo ra 40% tổng lượng tiêu thụ của nước ta vào năm 2030. Tuy là thế hệ quen thuộc với công nghệ và có trách nhiệm xã hội, nhưng họ lại không quan tâm nhiều đến việc chuyển sang sử dụng xe điện. Nguyên nhân là gì?
- Sự phát triển của các dịch vụ taxi công nghệ đã mang lại nhiều lựa chọn di chuyển cho người dùng trong và ngoài thành phố.
- Chi phí để mua và duy trì một chiếc ô tô (dù là điện hay xăng) đều cao so với thu nhập của Gen Z và Millennials. Theo Vero, thu nhập bình quân của nhóm tuổi từ 18-34 là từ 10-25 triệu VNĐ. Hơn nữa, họ cũng thích khám phá nhiều điều mới mẻ hơn là gắn bó với một thứ gì đó.
Lời kết
Trên đây là bài viết về Thị trường xe điện Việt Nam: Cơ hội và thách thức từ báo cáo “Di chuyển xanh” của Vero. Chuyện Marketing mong rằng bài viết này sẽ cung cấp cho bạn thông tin bổ ích. Ngoài ra, bạn cũng có thể thông qua Fanpage của Chuyện để có thể theo dõi và cập nhật những kiến thức và tin tức thú vị mới nhé!