Temu, nền tảng TMĐT bán hàng Trung Quốc với giá cực rẻ, đã chính thức bước chân vào Đông Nam Á, bắt đầu từ Philippines. Đây là sàn TMĐT từng gây chú ý trên thị trường Mỹ và là “chị em” của Pinduoduo, đối thủ của Shein trong lĩnh vực thời trang nhanh, theo Tech in Asia. Cùng Chuyện Marketing tìm hiểu rõ hơn về sàn TMDT này ở bài viết bên dưới nhé!
Temu đã có mặt tại Philippines, điểm đến đầu tiên của họ ở Đông Nam Á, dù trước đó có nhiều nhận định cho rằng chiến lược bán hàng Trung Quốc với giá siêu rẻ của họ sẽ không thành công ở khu vực này, nơi người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn khác để mua hàng Trung Quốc giá rẻ.
Hiện tại, Temu đã có mặt ở 38 quốc gia trên thế giới, một con số khá ấn tượng so với Shopee, sàn TMĐT hàng đầu Đông Nam Á chỉ có mặt ở 11 quốc gia.
Jianggan Li, người sáng lập và CEO của Momentum Works, công ty phân tích dữ liệu thị trường, cho rằng Temu thuộc nhóm các ứng dụng mới nổi cùng với Shein và TikTok Shop, đang “làm rung chuyển thị trường TMĐT toàn cầu”. Ông nói với Tech in Asia: “Temu có thể gặp khó khăn khi cạnh tranh với Lazada và Shopee trong ngắn hạn, nhưng họ là một đối thủ tiềm năng có khả năng thay đổi cục diện ngành TMĐT Đông Nam Á. Họ không chỉ linh hoạt mà còn có nguồn tài chính dồi dào từ các thị trường khác để hỗ trợ khi vào thị trường mới. Shopee không thể không đối phó”.
Angus Mackintosh, người sáng lập CrossASEAN, trang nghiên cứu thị trường, cho biết với Tech in Asia rằng ảnh hưởng của Temu đối với ngành TMĐT Đông Nam Á trong ngắn hạn chưa rõ ràng.
“Tương lai của Temu tại Đông Nam Á vẫn còn nhiều bất định. Thị trường này có nhiều đặc thù và thách thức khác nhau, không phải ai cũng có thể vượt qua. Shein là một minh chứng rõ ràng cho việc một nền tảng thành công ở Mỹ nhưng lại không thể thâm nhập vào Indonesia.
Temu cũng có thể gặp phải các rắc rối từ phía chính quyền khi các công ty internet Trung Quốc bị coi là đe dọa đến sự phát triển của các MSME (công ty siêu nhỏ, nhỏ và vừa) của Indonesia bởi hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc”, ông Mackintosh nói thêm.
Theo ông Sheji Ho, nhà đồng sáng lập và cựu giám đốc bộ phận tiếp thị của aCommerce, các doanh nghiệp theo mô hình D2C, các công ty TMĐT và các công ty khởi nghiệp thương mại xã hội cần phải “đề phòng” trước sự xuất hiện của một đối thủ tiềm năng như Temu.
“Họ [các doanh nghiệp cùng phân khúc với Temu] thường đụng độ trong cùng hạng mục, với nhiều sản phẩm của họ cũng có nguồn gốc từ Trung Quốc”, ông Sheji Ho cho biết.
Momentum Works mới đây đã dự báo về thị phần thị trường TMĐT Đông Nam Á năm 2023. Theo đó, chỉ có TikTok Shop là được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trong năm nay, ước tính chiếm 13,2% thị phần trong năm 2023, tăng từ 4,4% trong năm 2022.
Trong khi đó, thị phần của Shopee trên thị trường TMĐT Đông Nam Á năm 2023 ước tính đạt mức 46,5%, giảm nhẹ so với mức 48,1% trong năm 2022. Ngoài ra, Lazada cũng được dự báo sẽ giảm từ 20,2% trong năm 2022 xuống còn 17,7% trong năm 2023.
Shopee là nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) có hiệu suất tốt nhất của Sea, công ty có trụ sở tại Singapore, trong quý II. Shopee không chỉ duy trì được lợi nhuận, mà còn chiếm 68% doanh thu của Sea trong quý này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Shopee cần phải chứng minh khả năng tăng trưởng bền vững, khi phải đối đầu với những đối thủ mới như TikTok Shope và Temu.
Temu là một nền tảng TMĐT mới nổi, được cho là sẽ mở rộng sang một số quốc gia Đông Nam Á trong năm nay. Temu thuộc sở hữu của PDD Holdings, công ty mẹ của Pinduoduo, một trong những nền tảng TMĐT lớn nhất Trung Quốc. Temu không tiết lộ kế hoạch chi tiết về việc ra mắt tại các thị trường mới. PDD Holdings sẽ công bố báo cáo tài chính quý II trong vài ngày tới, có thể sẽ có thêm thông tin về Temu.
Lời kết
Trên đây là bài viết về Shopee tiếp tục đối diện với thách thức khi sàn thương mại điện tử giá rẻ Temu chính thức gia nhập thị trường Đông Nam Á. Chuyện Marketing mong rằng bài viết này sẽ cung cấp cho bạn thông tin bổ ích. Ngoài ra, bạn cũng có thể thông qua Fanpage của Chuyện để có thể theo dõi và cập nhật những kiến thức và tin tức thú vị mới nhé!